Bài đăng nổi bật

Giới Thiệu

Hiện tại mình có kế hoạch hệ thống lại kiến thức mà mình đã học được trong quá trình làm việc để chia sẽ cùng mọi người, các bài đăng tiếp...

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Ả Rập Saudi nhảy lên mức cao kỷ lục

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ nhà sản xuất lớn nhất của OPEC, Ả Rập Saudi, tăng 94,9% trong năm 2020 và 71% trong tháng 5.    
Khi Trung Quốc nhập khẩu lượng dầu thô cao nhất từ ​​trước đến nay trong tháng 5, trong đó nhập khẩu từ nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - Ả Rập Xê Út - tăng gần gấp đôi, tới mức cao nhất sau khi nhu cầu nhiên liệu của nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới phục hồi và các nhà tinh chế mua dầu thô với giá hời vào tháng Tư.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô Trung Quốc từ Ả Rập Saudi - nhà sản xuất lớn nhất của OPEC, tăng 94,9% trong năm và 71% trong tháng 5, đạt 2,16 triệu thùng mỗi ngày (bpd).
Ả Rập Saudi đã đánh bại Nga để giành vị trí nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc vào tháng trước, các chuyến hàng từ Nga đến Trung Quốc ở mức 1,82 triệu bpd, tăng 21,3% so với tháng 5 năm 2019.
Từ đầu tháng 5 đến nay, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Ả Rập Saudi đã tăng 20,8%, trong khi nhập khẩu từ Nga tăng 17,8%.
Dữ liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy hồi đầu tháng 6 tổng nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 11,34 triệu bpd trong tháng 5. Trung Quốc đã phá vỡ kỷ lục nhập khẩu dầu thô khi hoạt động sản xuất tăng và dỡ bỏ cách ly. Nhưng các nhà tinh chế cũng đã tận dụng dầu thô rẻ nhất trong tháng 4 để lấy hàng giao trong những tháng tiếp theo.
Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu lô dầu thô Mỹ đầu tiên vào tháng 5 kể từ tháng 11 năm 2019, và một lượng dầu kỷ lục của Mỹ sẽ được chuyển đến Trung Quốc vào tháng 7 sau khi các nhà tinh chế đã mua dầu giá rẻ của Mỹ vào tháng 4 lúc giá dầu giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Theo số liệu hải quan của Trung Quốc, Trung Quốc đã không nhập bất kỳ loại dầu nào từ Venezuela, trong khi các chuyến hàng từ Iran cũng giảm mạnh do người mua đang tránh xa các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, dữ liệu vận chuyển lại cho thấy Trung Quốc tiếp tục nhận dầu thô từ Venezuela, chủ yếu thông qua chuyển hàng bằng tàu.
Theo Oilprice

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Petrobras bắt đầu sản xuất ở mỏ Atapu

Petrobras đã bắt đầu sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên tại mỏ Atapu bằng tàu FPSO P-70, nằm ở phía đông vùng tiền muối Santos, ngoài khơi Brazil.
Mỏ Atapu là dự án hợp tác giữa nhiều tập đoàn. Petrobras nắm giữ 89.257% quyền đối với mỏ này, hợp tác với Shell Brasil Petróleo Ltda (4.258%), Total E & P do Brasil Ltda (3.832%), Petrogal Brasil SA (1.703%) và PPSA (0.950%).
Atapu sẽ góp phần vào sự tăng trưởng sản xuất của các mỏ tiền muối. Tàu FPSO P-70 có khả năng xử lý tới 150.000 thùng dầu/ngày và xử lý tới 6 triệu m3 khí đốt tự nhiên. Tàu này sẽ hoạt động cách bờ biển bang Rio de Janeiro khoảng 200 km, ở độ sâu 2300m.

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Iraq triển khai một loạt các thỏa thuận dầu khí lớn với Trung Quốc

Trong bối cảnh khủng hoảng giá dầu, thêm vào đó sức ép của Mỹ đã đẩy Iran và Iraq vào khối quyền lực Trung - Nga. Tuần trước, Ủy ban Đầu tư Kinh tế và Quốc hội Iraq đã xem xét lại các thỏa thuận Trung-Iraq đạt được vào tháng 9 năm ngoái trong chuyến thăm của Thủ tướng Iraq lúc đó là Adel Abdul Mahdi tới Bắc Kinh với mục đích mở rộng khoản đầu tư 20 tỷ USD của Trung Quốc tại Iraq bên cạnh km ngạch thương mại hàng hóa 30 tỷ USD hàng năm giữa hai nước.

Trung Quốc và Iraq đã ký 8 bản ghi nhớ chính, bao gồm việc thăm dò và phát triển ngành dầu khí hầu như không giới hạn; cung cấp vật liệu, công nghệ và dịch vụ; và xây dựng cơ sở hạ tầng rộng lớn trong 20 năm tới. Điều này phù hợp với chương trình “Một vành đai, một con đường” (OBOR) của Trung Quốc. Hợp tác Trung - Iraq bắt đầu một cách rõ ràng vào tháng 10 năm ngoái, với thông báo từ Bộ Tài chính Iraq rằng nước này đã bắt đầu một chương trình xuất khẩu 100.000 thùng dầu mỗi ngày (bpd) sang Trung Quốc như một phần của thỏa thuận. Các công ty Trung Quốc Zhenhua Oil và Sinochem là nhà nhập khẩu dầu của Iraq. Việc tài trợ cho tất cả các thương vụ xuất nhập khẩu này được thực hiện bởi Tập đoàn bảo hiểm tín dụng và xuất khẩu Trung Quốc China Export and Credit Insurance Corporation.
Theo các nhà quan sát, “model” của Trung Quốc trong các kế hoạch toàn cầu như thế này trước hết là mở rộng hỗ trợ cho một khu vực cụ thể cần trợ giúp nhất, sau đó tận dụng điều đó để vào tất cả các khu vực khác phục vụ cho dự án “Một vành đai, một con đường” của mình. 
Sri Lanka là một ví dụ điển hình cho “model” này của Trung Quốc. Bắc Kinh bắt đầu đẩy mạnh vào nước này bằng cách cấp các khoản vay không giới hạn cho cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa, cho dự án phát triển cảng Hambantota. Dự án này - như người Trung Quốc biết rõ - có rất ít cơ hội thành công và khi không thể tạo ra bất kỳ hoạt động kinh doanh quan trọng nào đã khiến Rajapaksa mất chức. Chính phủ mới không thể đáp ứng nhu cầu trả nợ. Tại thời điểm đó, Chính phủ Sri Lanka có rất ít sự lựa chọn ngoài việc bàn giao cảng cho Trung Quốc (cộng thêm 15.000 mẫu đất xung quanh khác) trong thời gian ít nhất 99 năm. Hambantota có thể vô dụng như một cảng tiêu chuẩn để có thể kiếm ra tiền, nhưng đối với Trung Quốc, nó có ý nghĩa chiến lược to lớn, đi ra các tuyến đường biển lớn của Nam Á và trong tương lai sẽ cho phép thành lập một cơ sở sử dụng kép: thương mại và quân sự dành cho hải quân.
Với Iraq, bên cạnh việc được giảm giá dầu đáng kể từ Iraq (và giá dầu và khí đốt từ Iran, theo thỏa thuận trước đó), Trung Quốc sẽ được phép xây dựng các nhà máy ở Iraq (và Iran), với việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hỗ trợ (đường sắt - quan trọng nhất đối với OBOR). Tất cả được giám sát bởi chính nhân viên quản lý từ các công ty Trung Quốc trên mặt đất ở Iraq. Những công ty Iran và Iraq sẽ làm việc với CRRC Trung Quốc và Rosoboronexport của Nga - chuyên xuất khẩu vũ khí và các thiết bị, công nghệ, dịch vụ thương mại và quân sự.
Cơ sở hạ tầng đường sắt ở Iraq sẽ được xây dựng sau khi Trung Quốc hoàn thành mạng lưới ở Iran, cho phép vận chuyển tất cả các sản phẩm sản xuất từ ​​Trung Quốc. Trong bối cảnh này, tháng 8 năm ngoái Iran đã ký hợp đồng với Trung Quốc để thực hiện dự án điện khí hóa tuyến đường sắt chính dài 900 km nối liền thành phố Tehran đến thành phố Mashhad phía đông bắc. Thêm vào đó là kế hoạch thiết lập một tuyến tàu cao tốc Tehran-Qom-Isfahan, mở rộng mạng lưới lên phía tây bắc thông qua Tabriz. Tabriz, nơi có một số vị trí quan trọng liên quan đến dầu, khí đốt và hóa dầu, và điểm khởi đầu của đường ống dẫn khí Tabriz-Ankara, sẽ là điểm mấu chốt của 2.300 km "Con đường tơ lụa" nối Urumqi - Tân Cương, thủ phủ phía tây Trung Quốc đến Tehran, và kết nối Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Turkmenistan theo con đường này, sau đó qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới châu Âu. 
Iraq đã nghiên cứu các luật mới nhằm điều chỉnh hoạt động của một cơ quan tái thiết, mà chức năng chính là cho phép Trung Quốc thực hiện các kế hoạch của mình mà không gặp cản trở. Tất cả những sáng kiến ​​này là giải pháp duy nhất để Iraq có cơ hội khắc phục trong thời gian ngắn cho các vấn đề tài chính và an ninh đang diễn ra ở Iraq và Trung Quốc và Nga có thể hỗ trợ nhiều hơn cho Iraq.
Baghdad và Tehran cho rằng, tiền, thiết bị và công nghệ của Trung Quốc cho phép Iraq tăng dần sản lượng dầu của mình lên mức 7 triệu bpd được nhắm mục tiêu vào cuối năm 2022, và sau đó là con số mục tiêu 9 triệu bpd. Trước đây là từ 7 triệu bpd đến 12 triệu bpd vào cuối năm 2018, trước khi có những biến động ở khắp đất nước Iraq. Quan trọng hơn, nó cũng sẽ cho phép Iraq tiến lên với việc xây dựng Dự án cung cấp nước biển chung (CSSP), trong trường hợp không có ExxonMobil của Hoa Kỳ. Trước khi ExxonMobil rút ra, dự án cung cấp nước biển với quy mô nhỏ hơn dự kiến là dự án chung giữa Exxon và CNPC Trung Quốc. Hiện Trung Quốc cho rằng họ có thể tiếp nhận toàn bộ dự án bởi dự án này phù hợp với mục đích “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, vì nó bao gồm cả việc xây dựng đường ống dẫn dầu, kho chứa và trạm bơm. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ lấy tất cả số dầu mà Iraq có thể sản xuất. 
Đối với Iraq, Trung Quốc là đối tác chiến lược lâu dài. Con số 10 tỷ USD chỉ là bắt đầu, với số lượng dầu hạn chế để cung cấp tài chính cho một số công trình hạ tầng cơ sở. Tài trợ của Trung Quốc sẽ tăng cùng với sản lượng dầu thô của Iraq và sẽ được sử dụng cho các mục đích xây dựng, đầu tư, tái thiết,…

Theo Oilprice

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Thành phố Hồ Chí Minh 22/06/2020

Đây là những hình ảnh bình thường nhưng không bình thường trong thời điểm Covid-19

OPEC dự báo tình trạng dư thừa dầu trong năm 2020

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mới đây cho biết, thế giới sẽ vẫn phải đối mặt với tình trạng dư thừa dầu mỏ trong năm 2020, ngay cả khi nhu cầu dần phục hồi và các nhà sản xuất cắt giảm nguồn cung kỷ lục để giúp cân bằng thị trường.
Theo đó, OPEC cho biết, nhu cầu sẽ giảm 6,4 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2020, ít hơn mức giảm 11,9 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm nay, với những tín hiệu phục hồi từ nay cho đến cuối năm nay.
Trước đó, giá dầu sụt giảm mạnh do các nước thực hiện các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã kiềm chế du lịch và hoạt động kinh tế. Trong khi đó, một số nơi trên thế giới đã bắt đầu nới lỏng hạn chế, song lo ngại về một đợt bùng phát mới đã hạn chế giá tăng.
Để giải quyết nhu cầu giảm mạnh, OPEC+ đã thống nhất thỏa thuận cắt giảm nguồn cung kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày bắt đầu từ ngày 1/5, trong khi Mỹ và các nhà sản xuất khác cho biết họ sẽ khai thác ít hơn. Mới đây, tổ chức này đã quyết định giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng cho tới khi kết thúc tháng 7. 
Bất chấp việc các thành viên OPEC+ tuân thủ mạnh mẽ việc cắt giảm, OPEC vẫn nhận định, thị trường vẫn sẽ dư thừa dầu mỏ trong năm nay, một phần vì hiện nay nguồn cung từ ngoài tổ chức này cao hơn 300.000 thùng/ngày so với suy nghĩ trước đây.
Trong báo cáo này, OPEC không tiếp tục giảm dự báo nhu cầu dầu thế giới trong năm 2020, sau khi cắt giảm mạnh trong những tháng trước. Tuy nhiên, nguy cơ tiêu thụ theo chiều giảm tại Mỹ vẫn tiếp tục.
Được biết, OPEC đã cắt giảm nguồn cung 6,3 triệu thùng/ngày trong tháng 5 xuống còn 24,2 triệu thùng/ngày. Tuân thủ của OPEC theo cam kết giảm sản lượng trong tháng này là 84%.
OPEC ước tính, nhu cầu dầu thô của họ trong năm nay sẽ đạt mức 23,6 triệu thùng/ngày, giảm 700.000 thùng/ngày so với tháng trước cho thấy họ cắt cắt giảm khoảng 600.000 thùng/ngày so với tốc độ trong tháng 5 vừa qua để tránh dư thừa.


 Theo Reuters

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

Số giàn khoan dầu và khí đốt của Mỹ tiếp tục giảm kỷ lục

Các công ty năng lượng Mỹ và Canada cắt giảm số giàn khoan dầu và khí tự nhiên xuống mức thấp kỷ lục ngay cả khi giá dầu tăng thúc đẩy một số nhà sản xuất bắt đầu hoạt động trở lại.

Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu và khí của Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục tuần thứ 7 liên tiếp. Cụ thể, số lượng giàn khoan giảm 13 giàn xuống còn 266 giàn trong tuần kết thúc vào ngày 19/6/2020, thấp hơn 701 giàn hay 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số giàn khoan dầu của Mỹ giảm 10 giàn xuống còn 189 giàn trong tuần này, thấp nhất kể từ tháng 6/2009, trong khi số giàn khoan khí giảm 3 giàn xuống 75 giàn, thấp nhất theo số liệu từ năm 1987.
Trong khi đó, tại Canada, số giàn khoan dầu và khí giảm 4 giàn xuống thấp kỷ lục 17 giàn trong tuần này, thấp hơn 102 giàn hay 86% so với cùng thời điểm năm 2019.
Thực tế, dầu thô kỳ hạn của Mỹ vẫn giảm khoảng 35% kể từ đầu năm nay do nhu cầu sụt giảm mạnh do đại dịch Covid-19, song giá dầu đã tăng 133% trong 8 tuần qua lên hơn 39 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 19/6.
Trước đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ dự kiến khôi phục khoảng 1/4 các giàn họ tạm thời đóng vào cuối tháng 6 này.
Trong bối cảnh giá dầu đạt mức 40 USD, một số nhà phân tích vẫn cho rằng, họ dự kiến giá dầu tăng sẽ khuyến khích các công ty giảm số giàn khoan chậm lại và khả năng bổ sung một số giàn khoan trong cuối năm nay.
Công ty dịch vụ tài chính Mỹ Tudor, Pickering, Holt & Co nhận định: "Trong khi mức sụt giảm hàng tuần chậm lại một chút so với những gì chúng tôi thấy vào tháng 4 và tháng 5, sự sụt giảm có thể tiếp tục với tốc độ chậm hơn trong quý III khi hầu hết các nhà điều hành không vội vàng khôi phục giàn khoan và một số khác vẫn cắt giảm hoạt động theo kế hoạch".
Về phần mình, các chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Mỹ Piper Sandler dự báo, số giàn khoan của nước này sẽ giảm từ 943 giàn trong năm 2019 xuống 431 giàn trong năm 2020 và 326 giàn trong năm 2021, trước khi tăng lên 583 giàn trong năm 2022.

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

PVN cùng SSFC thúc đẩy tiến độ hợp tác vận hành Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

Ngày 18/6, tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc trực tuyến với đối tác Shinkong Synthetic Fibers (SSFC-Đài Loan) về việc thúc đẩy tiến độ hợp tác sản xuất kinh doanh Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ.
Thực hiện chủ trương của Hội đồng Thành viên PVN về việc hợp tác với đối tác SSFC trong việc gia công sợi DTY, tiến tới vận hành lại toàn bộ Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, đồng thời thắt chặt mối quan hệ giữa PVN và SSFC, hai bên đã tổ chức cuộc họp trực tuyến tại hai điểm cầu Việt Nam và Đài Loan.

Tham dự buổi làm việc trực tuyến có ông Eric Wu - Chủ tịch SSFC; ông Samson Lou - Tổng giám đốc SSFC; ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Văn phòng đại diện Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và các lãnh đạo bộ phận chuyên môn của SSFC. Về phía PVN chủ trì buổi làm việc có ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn; ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn; ông Trần Huy Thư – Tổng giám đốc VNPoly cùng lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn.
Theo ông Trần Huy Thư – Giám đốc VNPoly, từ khi chính thức ký kết hợp đồng gia công sợi DTY giữa VNPoly và SSFC, mặc dù bị ảnh hướng lớn bởi dịch bệnh Covid-19, hai bên đã và đang tích cực triển khai vận hành các dây chuyền sản xuất sợi DTY theo thỏa thuận. Phía SSFC vẫn duy trì liên tục các chuyên gia hỗ trợ. Dự kiến trong thời gian tới, số lượng dây chuyền đưa vào vận hành sẽ tăng dần theo nhu cầu thị trường hồi phục sau dịch bệnh.
Hiện nay, VNPoly đã chuẩn bị và sẵn sàng để có thể vận hành lên 10 dây chuyền sản xuất sợi DTY khi có nhu cầu. Vào ngày 17/2/2020, VNPoly đã nhập 20 tấn POY phục vụ công tác chạy thử. Đến đầu tháng 3/2020 VNPoly đã hoàn thành công tác chạy thử với kết quả chất lượng đều đạt so với yêu cầu của SSFC. Đặc biệt các nguyên liệu này đều là nguyên liệu tái sinh.
Từ ngày 25/3/2020, VNPoly chính thức lên máy sản xuất cho SSFC. Tính đến ngày 15/6/2020, VNPoly đã gia công sản xuất được 520 tấn sợi DTY, doanh thu đạt khoảng 5,75 tỉ đồng. Đặc biệt chất lượng sản phẩm đạt loại AA tới 90%, cao hơn mức thỏa thuận theo hợp đồng gia công (cao hơn mức chuẩn mực quốc tế là 85%).
Mặc dù gặp phải khó khăn do dịch bệnh Covid-19, hai bên vẫn đang quyết tâm triển khai hợp tác theo lộ trình đã vạch ra để khôi phục lại hoạt động toàn bộ Nhà máy.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã đánh giá cao nỗ lực của hai bên trong việc duy trì và đẩy nhanh tiến độ hợp tác vận hành Nhà máy sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ. Ông Lê Mạnh Hùng trao đổi với đối tác về việc hai bên cần thiết phải luôn bám sát, nghiên cứu thị trường xơ sợi Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á để có bước chuẩn bị sẵn sàng đưa nhà máy vào sản xuất ngay khi thị trường có dấu hiệu tốt trở lại. PVN với vai trò là cổ đông của VNPoly cam kết sẽ hỗ trợ SSFC trong quá trình triển khai hợp tác giữa SSFC và VNPoly.
Chủ tịch SSFC Eric Wu bày tỏ sự cảm ơn, hài lòng và thống nhất đối với kế hoạch và phương án triển khai hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới. SSFC khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy nhanh việc thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Ông Eric Wu cũng tin tưởng kế hoạch trong Quý III/2020 vận hành 10 dây chuyền và đưa toàn bộ các dây chuyền của nhà máy vào sản xuất sợi DTY trong Quý I/2021. Các bước tiếp theo khôi phục hoạt động lại từng phần còn lại sẽ bắt đầu được triển khai từ Quý I/2021.

Theo Petrotimes.

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

Lại thêm tín hiệu đáng lo ngại cho thị trường dầu mỏ

Giá dầu đã giảm mạnh vào ngày 15/6 do nguy cơ xảy ra đợt bùng phát Covid-19 thứ hai sau khi một ổ dịch mới được phát hiện ở Trung Quốc, một tín hiệu đáng lo ngại cho sự hồi phục của nhu cầu vàng đen.
Giá dầu Brent giao hàng tháng 8 trong phiên giao dịch ngày 15/6 là 38,19 đô la tại Luân Đôn, giảm 1,39% so với mức đóng cửa ngày thứ Sáu.
Ở New York, dầu WTI của Mỹ  giao hàng tháng 7 mất 2,34%, xuống 35,41 đô la/thùng. Ở châu Á, dầu WTI thậm chí có lúc xuống dưới 35 đô la.
Theo các nhà phân tích của JBC, sự sụt giảm của giá dầu thô có liên quan trực tiếp đến "sự gia tăng các trường hợp nhiễm coronavirus ở Bắc Kinh cũng như ở một số khu vực của Hoa Kỳ. Điều này đang làm dấy lên lo ngại về sự bùng phát của làn sóng Covid-19 thứ hai và sự cần thiết phải có các biện pháp phong tỏa mới".
Chính quyền Trung Quốc đã công bố vào ngày Chủ nhật về việc phát hiện ra một ổ dịch mới xung quanh một chợ bán buôn ở Bắc Kinh, dẫn đến việc phong tỏa 11 khu dân cư trong vùng lân cận. Mười khu vực khác đã cô lập trong sáng nay.
Ở Hoa Kỳ, ngay cả khi đánh giá hàng ngày về số người chết giảm mạnh, cuộc khủng hoảng y tế vẫn đáng lo ngại, do tình hình bệnh dịch đã lan sang các bang miền nam và miền tây, sau khi chủ yếu ảnh hưởng đến vùng đông bắc của đất nước.
Và tại Nhật Bản cũng vậy, nỗi lo về làn sóng Covid-19 thứ hai rất lớn: sau 47 trường hợp nhiễm Covid-19 mới ở Tokyo được công bố vào Chủ nhật, 50 trường hợp khác đã được phát hiện hôm nay, theo Fuji TV.
Giá dầu thô "thậm chí có thể lao dốc", Ipek Ozkardeskaya, chuyên gia của Swissquote Bank, cảnh báo, trước những lo ngại về một làn sóng Covid-19 thứ hai.
"Hạn chế sự di chuyển của người dân và sự chậm lại trong hoạt động công nghiệp có thể khiến giá dầu giảm xuống còn 20 đô la", Ozkardeskaya thêm.
Theo AFP

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

Exxon Mobil đình chỉ dự án LNG P’nyang trị giá 13 tỷ USD

Papua New Guinea thông qua luật cho phép tăng phần lợi nhuận của nhà nước trong khai thác tài nguyên dầu khí và khoáng sản.


Papua New Guinea thông qua luật cho phép tăng phần lợi nhuận của nhà nước trong khai thác tài nguyên dầu khí và khoáng sản, dự kiến tỷ lệ phân chia sản phẩm mới sẽ được áp dụng từ năm 2025. Tuy nhiên, quá trình soạn thảo dự luật này đã dẫn đến đình chỉ đàm phán dự án LNG P’nyang trị giá 13 tỷ USD với Exxon Mobil.

Iraq công bố kế hoạch xuất khẩu dầu tháng 6

Chính phủ Iraq dự kiến sẽ xuất khẩu hơn 80 triệu thùng dầu thô, trung bình 2,8 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng này.
Theo đó, Tân Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar mới đây khẳng định, Iraq sẽ tuân thủ cắt giảm sản lượng xuất khẩu dầu thô trong 2 tháng tới theo thỏa thuận mới của OPEC+.
Các quốc gia không thực hiện đủ nghĩa vụ của mình trong tháng 5 và tháng 6, bao gồm Iraq và Nigeria đã cam kết cắt giảm thêm để đưa sản lượng của họ xuống dưới hạn ngạch vào tháng 7, tháng 8 và tháng 9.
Ông Jabbar nói rằng, Iraq sẽ tuân thủ hạn ngạch bất chấp những thách thức kinh tế và tài chính mà nước này sẽ phải đối mặt.
Thực tế, Iraq đã liên tục vượt quá hạn ngạch, với sản lượng dầu thô tháng 5 đạt 4,21 triệu thùng/ngày, vượt xa mức 3,59 triệu thùng/ngày đã thống nhất với OPEC+.
Hoàng tử Ả Rập Xê-út Abdulaziz bin Salman cho hay, Iraq dự kiến sẽ tuân thủ 80% hạn ngạch trong tháng này và hứa sẽ sản xuất ít hơn hạn ngạch kể từ tháng 7 đến tháng 9 để bù cho tháng 5 và tháng 6.
Theo Reuters

Dầu của Venezuela lách cấm vận của Mỹ để đến Trung Quốc như thế nào?

Mới đây Reuters đăng tải một báo cáo đặc biệt, trích dẫn dữ liệu theo dõi tàu, tài liệu PDVSA, và các nhà phân tích dầu mỏ, trong đó chứng minh các chuyến chở dầu từ Venezuela đến Trung Quốc vẫn tiếp tục ngay cả sau khi Hoa Kỳ siết chặt xuất khẩu dầu của Venezuela và đe dọa trừng phạt tất cả các công ty làm ăn với chính phủ của Nicolas Maduro.
Sau lệnh trừng phạt mới của Mỹ vào tháng 8, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) - một trong những người mua dầu thô hàng đầu của PDVSA ngay sau các vòng trừng phạt đầu tiên đối với Venezuela đã hủy ngay các kế hoạch nhập dầu từ Venezuela. Chính quyền Trump nhắm vào các công nước ngoài làm ăn với PDVSA, đe dọa sẽ tịch thu tài sản của họ ở Hoa Kỳ. Tuy vậy, các lô hàng dầu từ Venezuela đến Trung Quốc cũng đã tiếp tục trong năm nay, theo phát hiện của Reuters.
Theo điều tra của Reuters, ngay cả sau khi Mỹ gia tăng áp lực trừng phạt đối với Venezuela, dầu thô từ quốc gia Mỹ Latinh này vẫn tiếp tục chảy vào Trung Quốc thông qua tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga, có công ty con Rosneft Trading trụ sở tại Thụy Sĩ.
Từ tháng 7 đến tháng 12, 18 tàu chở dầu đã vận chuyển tổng cộng 19,7 triệu thùng dầu thô được đổi nhãn mác Venezuela đến các cảng của Trung Quốc, Reuters cho biết. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã nhập khẩu trung bình 350.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Venezuela, đưa Trung Quốc trở thành khách hàng hàng đầu của Venezuela. 18 lô hàng đó chiếm hơn 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Venezuela trong năm 2019, trị giá khoảng 1 tỷ USD. Phát hiện này dựa trên đánh giá dữ liệu theo dõi tàu, tài liệu PDVSA nội bộ và các cuộc phỏng vấn với 4 nhà phân tích dầu khí đã theo dõi đường đi của dầu Venezuela trên toàn cầu.
Theo dữ liệu theo dõi tàu thì một tàu chở dầu được CNPC thuê mang tên Adventure, đã lấy dầu thô của Venezuela vào ngày 18/7 và cập cảng ra ở Trung Quốc vào ngày 4/9.
Không có thông tin về các con tàu khác chở dầu thô đến Trung Quốc.
Số liệu của Reuters cho thấy trong năm 2020 các con tàu được thay nhãn mác vẫn tiếp tục vận chuyển dầu thô cho Trung Quốc.
Phương pháp vận chuyển, đã bị chính quyền Mỹ theo dõi hàng tháng trời, là chuyển sang tàu dầu khác ngoài biển. Phương pháp này được gọi là STS (ship-to-ship transfer), nhằm che giấu xuất xứ dầu thô.
Các nhà phân tích dầu kể từ năm ngoái đã nói rằng dầu của Venezuela đang đến Trung Quốc bằng cách chuyển STS. Reuters cũng xem xét các tài liệu nội bộ PDVSA cho thấy đơn vị Rosneft có liên quan đến việc chuyển dầu.
Iran, ngành công nghiệp dầu mỏ cũng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, đã sử dụng để phương thức STS để vận chuyển dầu của mình sang Trung Quốc trong nhiều năm. Như Reuters ghi nhận trong các báo cáo năm 2019 và 2015, dầu Iran thường được dán nhãn là đến từ nước láng giềng Iraq.
Tuy nhiên Trung Quốc đã phủ nhận rằng nguồn gốc của dầu là Iran.
CNPC cũng từ chối bình luận.
Trả lời câu hỏi của Reuters về những phát hiện liên quan đến nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Venezuela, Rosneft cho biết họ kinh doanh trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Theo Petrotimes

Hiểu để thêm yêu người dầu khí

Dù đã gắn bó với ngành dầu khí Việt Nam được khoảng 10 năm, nhưng tôi cho rằng bản thân mình chưa thật hiểu ngành dầu khí, chưa thật hiểu những con người dầu khí. Vậy nên, mỗi dịp được tới các công trình dầu khí, gặp những cán bộ lãnh đạo, quản lý, người lao động ngành dầu khí, tôi cố gắng thu thập nhiều nhất có thể các thông tin, tranh thủ trò chuyện để hiểu hơn về công việc của người dầu khí, những gì họ đang suy nghĩ, ấp ủ. 
Hiện nay, trong xã hội vẫn có tâm lý cho rằng ngành dầu khí là ngành “làm chơi, ăn thật”, “ngồi mát ăn bát vàng”, chỉ việc hút tài nguyên lên là có tiền. Ngay báo chí thế giới cũng có những bài phân tích về “lời nguyền dầu khí” nói về việc tất cả các nước chỉ bám vào tài nguyên dầu khí để xây dựng nền kinh tế thì sẽ đều chìm trong chiến tranh, bất ổn chính trị, lụn bại. Rồi thời gian qua, một số vụ án liên quan đến ngành dầu khí làm định kiến của xã hội đối với ngành càng lớn hơn. Để xóa bỏ được các định kiến, để xã hội suy nghĩ đúng về mình là điều không hề dễ dàng. Đó không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai mà cần một nỗ lực bền bỉ, nghĩ thật, làm thật, thuyết phục xã hội bằng kết quả sản xuất kinh doanh tốt, những đóng góp cho nhà nước và xã hội.
Một số dịp được tới các nhà máy, các công trình của dầu khí, tôi hiểu rằng ngành dầu khí Việt Nam không hoàn toàn giống ngành dầu khí thế giới. Đây không đơn thuần là hút dầu đi bán, mà đây là hệ sinh thái năng lượng khổng lồ của đất nước. Bất cứ con người, sự vật, hiện tượng hay quốc gia nào muốn phát triển thì không thể thiếu nguồn năng lượng dồi dào. Ngành dầu khí Việt Nam vừa khai thác dầu, khí, vừa sản xuất xăng dầu thành phẩm, điện, phân bón... chính là trụ cột cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Các giàn khoan dầu khí trên biển cũng chính là những cột mốc bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. 
Các nhà máy, giàn khoan trong hệ sinh thái dầu khí thường hoạt động 24/24 giờ trong ngày, với sự tập trung cao độ, rất căng thẳng. Công nhân công trình dầu khí chia ca kíp làm việc suốt ngày đêm. Vì thế trông họ thường già hơn so với tuổi, quần áo, găng tay lấm lem dầu mỡ. Chỉ một sai sót, một sự cố nhỏ không chỉ có thể làm ảnh hưởng tới sản xuất gây thiệt hại lớn cho kinh tế đất nước mà còn gây nguy hiểm tới tính mạng cán bộ, công nhân nhà máy. Trong khi đó, thu nhập của người dầu khí không hề cao so với công sức lao động, những hi sinh mà họ phải gánh chịu. Ví dụ như, một anh kíp trưởng mà tôi gặp trên giàn khoan Tam Đảo 02 điều khiển những mũi khoan hàng chục triệu USD, ăn sóng nằm gió ngoài giàn khoan cách đất liền hàng chục hải lý cả tháng mới về nhà 1 lần, mỗi ngày làm việc liên tục 12 tiếng, nhưng lương chỉ 30-40 triệu đồng/tháng. Trong khi nếu cũng vị trí đó ở các công ty dầu khí nước ngoài thì lương gấp 10 lần. Mặc dù rất thích chụp ảnh, nhưng anh ấy dùng chiếc máy ảnh loại cũ, vì phải chắt bóp, tiết kiệm tiền để lo cho gia đình. Trong thời điểm hiện nay khi vấn đề chủ quyền trên biển Đông dậy sóng thì công việc tại các giàn khoan dầu khí lại càng tiềm ẩn nhiều rủi ro. 
Tôi đến giàn khoan Tam Đảo 02 vào những ngày biển động cuối năm 2017, giàn rung lắc khá mạnh. Tuy nhiên, những cán bộ, công nhân viên giàn khoan vẫn làm việc cần mẫn, lặng lẽ. Trong đất liền lúc ấy, một số cán bộ của ngành dầu khí đang vướng vào các vụ án kinh tế lớn. Tất nhiên sai lầm của ai, tội lỗi của ai thì người đó chịu. Nhưng các vụ án ấy đã gây ảnh hưởng nhất định tới cái nhìn của xã hội với ngành dầu khí. Khi nhắc đến chuyện ấy nhiều cán bộ, công nhân giàn khoan đã rơm rớm nước mắt. Một thứ cảm xúc bị dồn nén, một sự cắn răng, chịu đựng trong im lặng. Họ và công việc của họ, những cống hiến, hi sinh thầm lặng của họ đang bị xã hội hiểu lầm. Về nhà hàng xóm còn xì xào, có người còn hỏi họ: Sao mà ngành dầu khí lắm vụ án thế?... Buồn lắm! Nhưng những con người dầu khí can trường ấy không đầu hàng, không sụp đổ. Họ đã nói gì với tôi? Họ nói rằng: Họ vẫn sẽ nỗ lực làm tốt công việc của mình. Vì đất nước cần họ, vì gia đình cần họ. Và thực tế là năm 2017 nhiều giông bão ấy, nguồn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, ngành dầu khí mặc dù gặp không ít sức ép nhưng vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, tiếp tục là trụ cột trong thu ngân sách quốc gia.
Phẩm chất anh hùng không chỉ ở lập công, mà phẩm chất anh hùng còn ở bản lĩnh, ở sức chịu đựng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đơn vị anh hùng lao động, có rất nhiều đơn vị thành viên là anh hùng lao động, nhiều cá nhân là anh hùng lao động. Những lúc khó khăn là lúc mà phẩm chất anh hùng cần thể hiện mạnh mẽ.
Những nhà báo theo dõi ngành dầu khí càng lâu năm càng hiểu ngành dầu khí, hiểu con người dầu khí và thêm tin, thêm yêu. Với phẩm chất anh hùng của mình, tin chắc rằng dù khó khăn thế nào ngành dầu khí cũng sẽ vượt qua.
Theo Petrotimes

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

Trung Quốc: Nổ xe chở dầu khiến nhiều người chết và hàng trăm người bị thương

Một số người chết và khoảng 100 người bị thương sau khi một chiếc xe tải chở dầu phát nổ trên đường cao tốc ở tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin ngày 13/6. Vụ nổ làm hư hại nhiều tòa nhà, chôn vùi nhiều người dưới đống đổ nát, kênh này cho biết.


Theo thống kê sơ bộ, ít nhất 9 người chết và hơn một trăm người bị thương trong vụ tai nạn. Vụ việc diễn ra trên đường cao tốc G15 Thẩm Dương - Hải Khẩu, khoảng 4:40 chiều ngày 13/6, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết.
Ngay sau khi phát nổ, chiếc xe bị hất văng lên không trung, bay xa vài trăm mét. Sóng xung kích của vụ nổ thổi bay cửa sổ của một số ngôi nhà ở làng Daxi, nằm gần đường cao tốc nơi tai nạn xảy ra.

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng cho biết một số tòa nhà lân cận đã bị phá hủy, bao gồm cả một nhà máy. Hiện trường vụ việc vẫn phủ đầy khói đen, nhiều ô tô gần đó bốc cháy.
Lính cứu hỏa, nhân viên cứu hộ, bác sĩ và nhân viên thực thi pháp luật đang tích cực cứu vãn tình hình. Nguyên nhân của vụ nổ chưa được làm rõ.

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

Nổ bồn chứa khí hóa lỏng ở Nga, một người chết và nhiều người bị thương

Một bồn chứa khí hóa lỏng đã phát nổ ở thành phố Kazan của Nga, khiến ít nhất một người chết và ba người bị thương, Sputnik dẫn nguồn tin từ lực lượng cứu hộ cho biết.

Ít nhất một người đã thiệt mạng và ba người khác bị thương trong vụ nổ bồn chứa 100 m3 khí hóa lỏng xảy ra vào khoảng 22h00 thứ Sáu, ngày 12 tháng 6, tại thành phố Kazan, thủ đô của nước cộng hòa Tatarstan thuộc Nga, theo cơ quan tình huống khẩn cấp địa phương.
"Một vụ nổ khí hóa lỏng, sau đó là một đám cháy, đã diễn ra tại một bồn chứa 100 mét khối nằm trên phố Sever Severo-Zapadnaïa", nguồn tin cho biết.
Nhân viên cứu hộ cho biết có nguy cơ ngọn lửa lan sang các bồn chứa khác gần đó.
Hiện tại, 138 lính cứu hỏa và 48 phương tiện chữa cháy đặc biệt đang có mặt tại hiện trường. Một máy bay trực thăng Mi-8 cũng được huy động để chữa cháy, phương tiện truyền thông cho biết.
Hai đoàn tàu chữa cháy đã đến thành phố Kazan, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga tuyên bố.
Nguyên nhân của vụ nổ hiện chưa được làm rõ.

Theo RT

IEA: Nhu cầu khí đốt toàn cầu sẽ có năm giảm lớn nhất trong lịch sử

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cho biết, khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 và thời tiết ôn hòa ở nửa bắc bán cầu đã khiến nhu cầu khí tự nhiên toàn cầu hướng tới năm giảm lớn nhất trong lịch sử.

Theo đó, nhu cầu khí toàn cầu dự kiến giảm 4% hay 150 tỷ m3 (bcm) xuống 3.850 bcm trong năm nay - gấp đôi lượng sụt giảm sau cuộc khủng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.
Ngành dầu và khí đốt đang cắt giảm chi tiêu và trì hoãn các quyết định đầu tư. Mặc dù, giới phân tích dự báo nhu cầu sẽ phục hồi trong năm 2021, tuy nhiên, IEA không kỳ vọng nhanh chóng trở lại mức trước khủng hoảng.
Các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á dự báo nhu cầu sẽ sụt giảm mạnh nhất trong năm 2020.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho hay: "Nhu cầu khí toàn cầu dự kiến sẽ dần phục hồi trong 2 năm tới, nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ nhanh chóng trở lại như bình thường". Theo quan chức IEA, khủng hoảng Covid-19 sẽ có ảnh hưởng kéo dài tới sự phát triển thị trường trong tương lai, làm giảm tốc độ tăng trưởng.
IAE dự báo, nhu cầu có thể giảm 75 bcm/năm trong năm 2025, tương đương mức tăng nhu cầu toàn cầu trong năm 2019.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, sau năm 2021, hầu hết sự gia tăng nhu cầu sẽ ở châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ.
Được biết, khí tự nhiên hóa lỏng dự kiến vẫn là động lực chính của tăng trưởng thương mại khí gas toàn cầu, nhưng đối mặt với nguy cơ quá công suất kéo dài do công suất xuất khẩu mới tăng từ các quyết định đầu tư trong quá khứ vượt tăng trưởng nhu cầu dự kiến.
Bình An
Reuters

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020