Trung Quốc và Iraq đã ký 8 bản ghi nhớ
chính, bao gồm việc thăm dò và phát triển ngành dầu khí hầu như không
giới hạn; cung cấp vật liệu, công nghệ và dịch vụ; và xây dựng cơ sở hạ
tầng rộng lớn trong 20 năm tới. Điều này phù hợp với chương trình “Một
vành đai, một con đường” (OBOR) của Trung Quốc. Hợp tác Trung - Iraq bắt
đầu một cách rõ ràng vào tháng 10 năm ngoái, với thông báo từ Bộ Tài
chính Iraq rằng nước này đã bắt đầu một chương trình xuất khẩu 100.000
thùng dầu mỗi ngày (bpd) sang Trung Quốc như một phần của thỏa
thuận. Các công ty Trung Quốc Zhenhua Oil và Sinochem là nhà nhập khẩu
dầu của Iraq. Việc tài trợ cho tất cả các thương vụ xuất nhập khẩu này
được thực hiện bởi Tập đoàn bảo hiểm tín dụng và xuất khẩu Trung Quốc
China Export and Credit Insurance Corporation.
Theo các nhà quan sát, “model” của Trung
Quốc trong các kế hoạch toàn cầu như thế này trước hết là mở rộng hỗ
trợ cho một khu vực cụ thể cần trợ giúp nhất, sau đó tận dụng điều đó để
vào tất cả các khu vực khác phục vụ cho dự án “Một vành đai, một con
đường” của mình.
Sri Lanka là một ví dụ điển hình cho
“model” này của Trung Quốc. Bắc Kinh bắt đầu đẩy mạnh vào nước này bằng
cách cấp các khoản vay không giới hạn cho cựu Tổng thống Mahinda
Rajapaksa, cho dự án phát triển cảng Hambantota. Dự án này - như người
Trung Quốc biết rõ - có rất ít cơ hội thành công và khi không thể tạo ra
bất kỳ hoạt động kinh doanh quan trọng nào đã khiến Rajapaksa mất chức.
Chính phủ mới không thể đáp ứng nhu cầu trả nợ. Tại thời điểm đó, Chính
phủ Sri Lanka có rất ít sự lựa chọn ngoài việc bàn giao cảng cho Trung
Quốc (cộng thêm 15.000 mẫu đất xung quanh khác) trong thời gian ít nhất
99 năm. Hambantota có thể vô dụng như một cảng tiêu chuẩn để có thể kiếm
ra tiền, nhưng đối với Trung Quốc, nó có ý nghĩa chiến lược to lớn,
đi ra các tuyến đường biển lớn của Nam Á và trong tương lai sẽ cho phép
thành lập một cơ sở sử dụng kép: thương mại và quân sự dành cho hải
quân.
Với Iraq, bên cạnh việc được giảm giá
dầu đáng kể từ Iraq (và giá dầu và khí đốt từ Iran, theo thỏa thuận
trước đó), Trung Quốc sẽ được phép xây dựng các nhà máy ở Iraq (và
Iran), với việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hỗ trợ (đường sắt - quan
trọng nhất đối với OBOR). Tất cả được giám sát bởi chính nhân viên quản
lý từ các công ty Trung Quốc trên mặt đất ở Iraq. Những công ty Iran và
Iraq sẽ làm việc với CRRC Trung Quốc và Rosoboronexport của Nga -
chuyên xuất khẩu vũ khí và các thiết bị, công nghệ, dịch vụ thương mại
và quân sự.
Cơ sở hạ tầng đường sắt ở Iraq sẽ được
xây dựng sau khi Trung Quốc hoàn thành mạng lưới ở Iran, cho phép vận
chuyển tất cả các sản phẩm sản xuất từ Trung Quốc. Trong bối cảnh này,
tháng 8 năm ngoái Iran đã ký hợp đồng với Trung Quốc để thực hiện dự án
điện khí hóa tuyến đường sắt chính dài 900 km nối liền thành phố Tehran
đến thành phố Mashhad phía đông bắc. Thêm vào đó là kế hoạch thiết lập
một tuyến tàu cao tốc Tehran-Qom-Isfahan, mở rộng mạng lưới lên phía tây
bắc thông qua Tabriz. Tabriz, nơi có một số vị trí quan trọng liên quan
đến dầu, khí đốt và hóa dầu, và điểm khởi đầu của đường ống dẫn khí
Tabriz-Ankara, sẽ là điểm mấu chốt của 2.300 km "Con đường tơ lụa" nối
Urumqi - Tân Cương, thủ phủ phía tây Trung Quốc đến Tehran, và kết nối
Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Turkmenistan theo con đường này,
sau đó qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới châu Âu.
Iraq
đã nghiên cứu các luật mới nhằm điều chỉnh hoạt động của một cơ quan
tái thiết, mà chức năng chính là cho phép Trung Quốc thực hiện các kế
hoạch của mình mà không gặp cản trở. Tất cả những sáng kiến này là
giải pháp duy nhất để Iraq có cơ hội khắc phục trong thời gian ngắn cho
các vấn đề tài chính và an ninh đang diễn ra ở Iraq và Trung Quốc và Nga
có thể hỗ trợ nhiều hơn cho Iraq.
Baghdad và Tehran cho rằng, tiền, thiết
bị và công nghệ của Trung Quốc cho phép Iraq tăng dần sản lượng dầu của
mình lên mức 7 triệu bpd được nhắm mục tiêu vào cuối năm 2022, và sau đó
là con số mục tiêu 9 triệu bpd. Trước đây là từ 7 triệu bpd đến 12
triệu bpd vào cuối năm 2018, trước khi có những biến động ở khắp đất
nước Iraq. Quan trọng hơn, nó cũng sẽ cho phép Iraq tiến lên với việc
xây dựng Dự án cung cấp nước biển chung (CSSP), trong trường hợp không
có ExxonMobil của Hoa Kỳ. Trước khi ExxonMobil rút ra, dự án cung cấp
nước biển với quy mô nhỏ hơn dự kiến là dự án chung giữa Exxon và CNPC
Trung Quốc. Hiện Trung Quốc cho rằng họ có thể tiếp nhận toàn bộ dự
án bởi dự án này phù hợp với mục đích “Một vành đai, một con đường” của
Trung Quốc, vì nó bao gồm cả việc xây dựng đường ống dẫn dầu, kho chứa
và trạm bơm. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ lấy tất cả số dầu mà Iraq có thể
sản xuất.
Đối với Iraq, Trung Quốc là đối tác
chiến lược lâu dài. Con số 10 tỷ USD chỉ là bắt đầu, với số lượng dầu
hạn chế để cung cấp tài chính cho một số công trình hạ tầng cơ sở. Tài
trợ của Trung Quốc sẽ tăng cùng với sản lượng dầu thô của Iraq và sẽ
được sử dụng cho các mục đích xây dựng, đầu tư, tái thiết,…
Theo Oilprice
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét